GIẢI PHÁP NÂNG CAO SỰ HÀI LÒNG CỦA HỌC VIÊN CAO HỌC TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRƯNG VƯƠNG

NGUYỄN HUY OANH – TS. NGUYỄN TUẤN ANH

(Đề tài NCKH cấp Trường)

Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu

Trước đây, giáo dục được xem như một hoạt động sự nghiệp đào tạo con người mang tính phi thương mại, phi lợi nhuận nhưng qua một thời gian dài chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là tác động của nền kinh tế thị trường đã khiến cho tính chất của hoạt động này không còn thuần túy là một phúc lợi công mà dần thay đổi trở thành “dịch vụ giáo dục”. Theo đó, giáo dục trở thành một loại dịch vụ và khách hàng (học viên, phụ huynh) có thể bỏ tiền ra để đầu tư và sử dụng một dịch vụ mà họ cho là tốt nhất.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, giáo dục đại học đã và đang trở thành một ngành dịch vụ, đáp ứng những đơn đặt hàng trực tiếp về nhân lực của xã hội. Một áp lực không thể tránh khỏi đối với các trường là việc tuân thủ các nguyên tắc quản lý chất lượng hiện đại mà trong đó triết lý hướng đến khách hàng đang đóng vai trò chủ đạo. Theo đó, một trong những yếu tố quyết định cho sự tồn tại và phát triển của các đơn vị kinh doanh nói chung và các đơn vị trong lĩnh vực giáo dục nói riêng là sự hài lòng của khách hàng về chất lượng sản phẩm dịch vụ mà đơn vị cung ứng. Chất lượng phải được đánh giá bởi chính những khách hàng đang sử dụng chứ không phải theo những tiêu chuẩn kỹ thuật, số lượng,…theo quy định. Như vậy, trong lĩnh vực giáo dục việc đánh giá chất lượng dịch vụ qua ý kiến của khách hàng, trong đó khách hàng trọng tâm là học viên đang trở nên hết sức cần thiết.

Cụ thể hơn, để nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh trong trong thời kỳ hội nhập và xã hội hóa giáo dục hiện nay, một trong những biện pháp cần thiết là các trường Đại học trong nước cần lắng nghe tiếng nói của học viên, khảo sát và đánh giá ý kiến của học viên về chất lượng cung ứng dịch vụ đào tạo nhà trường đang cung cấp để biết được nhu cầu thực tế của học viên, biết được họ đang muốn gì, cần gì; học viên đã đánh giá như thế nào về thực tế dịch vụ mà họ đang được cung cấp trong quá trình học tập tại trường, từ đó Nhà trường sẽ xác định được phương hướng thúc đẩy năng lực cung ứng dịch vụ đào tạo đang cung cấp cho học viên tốt hơn.

Trường Đại học Trưng Vương là một trường đại học tư thục đã thành lập được hơn 10 năm, góp phần trong hệ thống giáo dục quốc dân với nhiệm vụ đào tạo lao động lành nghề ở mọi trình độ và nhiều chuyên ngành. Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, là một trường tư thục còn non trẻ, chất lượng đào tạo của các trường Đại học vẫn phần nào chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, sức thu hút của các trường chưa mạnh đối với học viên. Đặc biệt, đối với đào tạo Cao học, việc đáp ứng yêu cầu của học viên và xã hội càng quan trọng hơn vì đầu ra là những lao động chuyên môn cao, làm việc ở những vị trí công tác phức tạp. Điều này đặt ra vấn đề cần thiết phải có một nghiên cứu chính thức đánh giá về sự hài lòng của học viên Cao học của nhà trường nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo tốt nhất cũng như có thể cạnh tranh được với các trường đại học khác trong khu vực.

Với những phân tích nêu trên, chúng tôi đã lựa chọn đề tài: “Giải pháp nâng cao sự hài lòng của học viên Cao học tại trường Đại học Trưng Vương” với mong muốn xây dựng một khung khổ lý thuyết làm cơ sở cho việc khảo sát ý kiến thực tế từ học viên Cao học về mức độ hài lòng đối với hoạt động đào tạo của trường, đề xuất một số giải pháp nhằm quản lý hiệu quả, góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn nữa nhiệm vụ của nhà trường trong thời gian tới.

Mục tiêu nghiên cứu

Trên nền tảng hệ thống hoá các vấn đề lý luận và thực tiễn về sự hài lòng của học viên Cao học đối với hoạt động của các trường Đại học, luận văn tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu và đo lường mức độ hài lòng của học viên Cao học đối với hoạt động đào tạo tại trường Đại học Trưng Vương. Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao sự hài lòng của học viên Cao học làm cơ sở đẩy mạnh chất lượng đào tạo của Trường Đại học Trưng Vương trong thời gian tới.

Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Sự hài lòng của học viên Cao học về hoạt động đào tạo tại trường Đại học Trưng Vương.

Đối tượng khảo sát: Học viên Cao học các khoá từ năm học 2019 – 2021 đang theo học tại trường Đại học Trưng Vương.

Phạm vi nghiên cứu:

– Phạm vi không gian: Nghiên cứu được thực hiện tại Trường Đại học Trưng Vương.

– Phạm vi thời gian: Đề tài sử dụng số liệu thứ cấp năm 2018 – 2021 từ các phòng ban của Trường Đại học Trưng Vương. Số liệu sơ cấp được thu thập từ phiếu điều tra học viên vào tháng 2-3/2021.

Giải pháp được áp dụng cho giai đoạn 2021 – 2025.

– Phạm vi nội dung: Nghiên cứu các yếu tố cấu thành hài lòng của học viên Cao học đối với hoạt động đào tạo của trường Đại học Trưng Vương, đánh giá về mức độ tác động của chúng trong thực tiễn.

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thu thập dữ liệu

Để thực hiện nghiên cứu, đề tài thu thập dữ liệu tử hai nguồn là sơ cấp và thứ cấp để mang lại những minh hoạ rõ nét nhất về thực trạng sự hài lòng của học viên Cao học tại trường Đại học Trưng Vương.

– Thu thập dữ liệu thứ cấp

Dữ liệu thứ cấp được thu thập bằng cách tìm kiếm các tài liệu, ấn phẩm có liên quan đến sự hài lòng của học viên Cao học đối với hoạt động đào tạo tại các trường Đại học và các thông tin liên quan của Trường Đại học Trưng Vương trong khoảng thời gian từ 2018 – 2021. Các nguồn cụ thể là: giáo trình, sách tham khảo, chuyên khảo, các đề tài nghiên cứu khoa học đã công bố, các bài báo đăng trên các tạp chí về sự hài lòng của học viên đối với hoạt động đào tạo đại học; các văn bản quy định của nhà trường về chế độ chính sách cho học viên Cao học, các báo cáo tổng kết hàng năm, thường kỳ, các văn bản có liên quan đến quản lý học viên Cao học của trường Đại học Trưng Vương. Từ đó, xây dựng nên các thang đo gồm nhiều biến khác nhau để sử dụng trong quá trình nghiên cứu.

– Thu thập dữ liệu sơ cấp

Thu thập dữ liệu sơ cấp bằng phỏng vấn và điều tra trực tiếp học viên Cao học các khoá từ 2019 đến 2021 tại Trường Đại học Trưng Vương, thông qua bảng câu hỏi điều tra.

Phương pháp xử lý dữ liệu

Các dữ liệu thu thập được sẽ được mã hóa, làm sạch, sử dụng các phương pháp phân tích thống kê, dự báo ngoại suy và đặc biệt là dùng phần mềm SPSS trong chạy và phân tích dữ liệu sơ cấp thu được từ điều tra thực tiễn để đưa ra những kết luận trên cơ sở lượng hóa kết quả nghiên cứu cụ thể.

Ngoài ra, luận văn còn sử dụng phương pháp tổng hợp, phân tích, so sánh để làm rõ vấn đề nghiên cứu.

Ý nghĩa của đề tài

– Góp phần làm sáng tỏ thêm một số vấn đề lý luận về sự hài lòng của học viên Cao học đối với hoạt động đào tạo của trường Đại học.

– Kết quả nghiên cứu của đóng góp vào việc nhìn nhận thực trạng về các nhân tố hình thành sự hài lòng của học viên đối với hoạt động đào tạo Cao học, đồng thời đánh giá mức độ hài lòng của họ ở Trường Đại học Trưng Vương hiện nay. Từ đó có những chính sách phù hợp để nâng cao mức độ hài lòng của học viên Cao học trong thời gian tới.

– Những khuyến nghị đóng vai trò là cơ sở thúc đẩy chất lượng đào tạo, sức cạnh tranh và khả năng phát triển của nhà trường.

Cấu trúc của đề tài

Ngoài phần tóm tắt, mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, đề tài nghiên cứu được kết cấu gồm 3 chương:

Chương1: Cơ sở lý luận về mức độ hài lòng của học viên đối với hoạt động đào tạo sau Đại học

Chương 2: Thực trạng về mức độ hài lòng của học viên Cao học tại Trường Đại học Trưng Vương

Chương 3: Một số giải pháp nhằm nâng cao mức độ hài lòng của học viên Cao học tại trường Đại học Trưng Vương.

Viện Quản trị sáng tạo